Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

tìm hiểu cuộc đời hoạt động cách mạng liệt sĩ Ngô Thất Sơn

Thằng đại úy chủ ngục chĩa súng vào ngục Ngô Thất Sơn quát: "Mầy phải xin lỗi tao! Nếu không tao đếm ba tiếng Un-deux (một, hai)... Ngô Thất Sơn vạch áo đưa ngực ra, bước tới, dõng dạc đếm -Et trois (và ba). Bất ngờ làm sao! Thằng Tây không dám bắn, đút súng vô bao da nơi thắt lưng.
Phong cách Ngô Thất Sơn là như thế. Anh xem cái chết nhẹ như lông hồng. Và chủ ngục ngán anh và các đồng chí của anh-những người tù không sợ chết.
NGÔ THẤT SƠN THÁCH THỨC CHỦ NGỤC PHÁP

Những ai sống ở miền Tây Nam Bộ - nhất là tại các tỉnh có đồng bào Khmer như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Rạch Giá - trong những năm đầu kháng Pháp đều không thể quên được hai tiếng "cáp duồn". Đây là tiếng Khmer, cáp là giết, cụ thể là chặt đầu và duồn là người Việt, cáp duồn là khẩu hiệu chặt đầu người Việt do Tây bày ra xúi giục số người Khmer nông nổi, thiếu hiểu biết, thù ghét người Việt. Ngày xưa ấy, Tây mộ lính thân binh gọi là "partisans" đánh Việt Minh, đa số thân binh là người Khmer. Các đội partisans này gieo kinh hoàng trong các làng mạc chúng hành quân, theo sau chúng là vợ con, anh em, bà con võ trang bằng chà gạc (dụng cụ phát cỏ) và xà-beng, gặp người thì giết, gặp nhà thì xâm nền tìm vàng bạc dân làng chôn giấu, sau cùng chúng phóng lửa đốt nhà. Nửa thế kỷ sau, nhắc lại cái họa "cáp duồn", những người lớn tuổi còn nổi da gà. Chống nạn cáp duồn là trọng tâm của cuộc kháng chiến. Chống bằng nhiều cách, võ trang có, tuyên truyền có, nhưng hữu hiệu nhất là kết hợp hai mặt võ trang và tuyên truyền dưới hình thức các đội võ trang tuyên truyền gọi là Tuyên truyền xung phong. Một trong các chỉ huy nổi tiếng thời ấy là Ngô Thất Sơn. Lý lịch trích ngang của anh như sau:
Tên anh là Trịnh Ngọc Ảnh, sinh năm 1919 tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, vùng Bảy Núi, tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang). Khi lên Campuchia, anh lấy tên Ngô Mãnh Gương để vào học Lycée Sisovath. Tốt nghiệp Thành Chung (Diplome), anh làm thầy giáo, năm 1940 được chọn đi học trường Thể dục thể thao Phan Thiết, gọi là trường Esepic. Anh làm thầy giáo kiêm huấn luyện thể dục thể thao vài năm trước khi được bổ nhiệm đốc học tỉnh Kongpongcham. Năm Nhật đảo chính Pháp, tinh thần yêu nước trong cộng đồng người Việt sống trên đất Campuchia nổi lên rất cao, nhiều người tự nguyện hồi hương, gia nhập Mặt trận Việt Minh. Thầy giáo Ngô Mãnh Gương cương quyết về quê kháng chiến. Anh dặn dò người vợ đang mang thai: "Sanh con trai hay gái gì cũng đặt tên con là Hy Sinh nghe em".
Từ ngày đó, anh lấy tên Ngô Thất Sơn để tưởng nhớ quê hương Bảy Núi oai hùng.
Thành tích đầu tiên của anh là đưa Bộ đội Hải ngoại số một về nước tham gia chiến đấu chống Pháp. Anh là chỉ huy phó, chỉ huy trưởng là anh Dương Tấn, sau lấy tên thật là Huỳnh Văn Vàng, cũng là thầy giáo thể dục thể thao. Đi ngang qua tỉnh Xiêm Rệp, theo yêu cầu của bộ đội Khmer Issarak, Bộ đội Hải ngoại để lại một đơn vị nhỏ do anh Ngô Thất Sơn chỉ huy chi viện bộ đội bạn. Ta chọn Ngô Thất Sơn vì anh to cao, nước da ngăm đen, lại nói tiếng Khmer chính cống. Đơn vị anh giả làm lính partisans, anh đóng vai quan phủ đi kinh lý đột nhập các đồn bót uy hiếp bọn tề ngụy, cướp súng trang bị cho du kích địa phương.
Vừa đi vừa chiến đấu trên đất bạn, Ngô Thất Sơn đưa đơn vị về tới biên giới Việt-Campuchia. Đơn vị anh được lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đón tiếp trọng thể tại cầu Cần Đăng, chiến khu Trà Vong ngày 20/9/1946. Anh Huỳnh Văn Vàng được giao công tác khác ở Sài Gòn, anh Ngô Thất Sơn nhận chức chỉ huy trưởng Bộ đội Hải ngoại số một.
Để đối phó chủ trương cáp duồn thực dân Pháp xách động người Khmer thiếu hiểu biết, anh Ngô Thất Sơn chọn 12 chiến sĩ giỏi tiếng Campuchia lập Ban công tác biên giới do anh trực tiếp chỉ huy. Địa bàn hoạt động của đơn vị võ trang tuyên truyền này là quận Khang Xuyên, xưa là tổng Khang Xuyên, đa số là người Khmer. Anh áp đụng chiến thuật táo bạo, giả làm lính thân binh đi tuần tra các đồn bót nhỏ, tấn công chớp nhoáng. Trong đơn vị có thêm ba hàng binh Pháp, Ngô Thất Sơn giả quan phủ cùng ba lính lê dương này dẫn đơn vị thọc sâu vào đồn bót kiểm tra súng ống rồi chụp đồn luôn. Chiến công lớn nhất của anh là đánh chiếm thị trấn Kompong Chek, cách Soài Riêng 10 tim, bắt sống tên phó quận, thu 30 súng. Nhờ các hoạt động vũ trang tuyên truyền này mà dọc biên giới Tây Ninh, ta nắm được dân chúng Khmer trước đây đã từng bị Tây lôi kéo trong các đợt cáp duồn khủng khiếp. Đồng bào sở tại còn nhớ tại cầu Vinh, thường ngày có hàng chục người Việt bị chém giết rồi đạp xuống sông. Nhờ đội Tuyên truyền xung phong của Ngô Thất Sơn mà một vùng biên giới trở thành miền đất hữu nghị đoàn kết Việt-Campuchia.
Bây giờ xin đi vào cái chết vinh quanh của anh Ngô Thất Sơn. Tháng 6.1949, địch bao vây rừng Tà-éc, xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, Ngô Thất Sơn cùng thư ký bộ đội Sivotha Chăn-Seđa dũng cảm chống trả. Nhưng bất ngờ làm sao, tên Chăn-Seđa đưa tay lên đầu hàng. Ngô Thất Sơn chỉ còn viên đạn cuối cùng định dành cho mình, anh bắn gục tên hèn nhát phản bội. Sau đó, anh bị thương rồi bị bắt sống.
Bắt được Ngô Thất Sơn, Pháp mừng rỡ, loan tin chiến thắng rùm beng. Chúng giam anh tại Soài Riêng, rồi dời qua Kompongcham, cuối cùng về Nam Vang. Theo lệnh Pháp và Quốc trưởng Sihanouk, Bộ trưởng Nhiếp Choulong, nguyên là bạn học tại Lycée Sivovath nhiều lần tới nhà giam dụ dỗ Ngô Thất Sơn cộng tác với chúng. "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi sẽ giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho ông". Ngô Thất Sơn hất tung bàn tiệc nói thẳng thừng: "Tôi không vì danh lợi, không muốn vì miếng ăn mà làm tay sai cho giặc". Thực dân Pháp đưa Ngô Thất Sơn về giam tại các khám Gia Định, Phú Lợi, Chí Hòa... Ở đâu, Ngô Thất Sơn cũng nêu khí tiết người chiến sĩ Việt Nam bất khuất. Năm 1950, địch đặt vấn đề trao đổi tù binh, đổi Ngô Thất Sơn lấy hai đại tá bại trận ở Đông Khê và Thất Khê trong chiến dịch biên giới là Charton và Lepage, nhưng cuộc thương lượng bất thành. Chính tướng Nguyễn Văn Hinh, rồi tướng Chanson, ủy viên Cộng hòa kiêm Tư lệnh Nam phần Việt Nam vô khám Chí Hòa mời ông hợp tác với Pháp. Nhưng vô ích.
Tại khám Chí Hòa, có một đại úy Pháp hung hăng, háo sát. Hắn nghe tiếng Ngô Thất Sơn là người tù bất trị, liền trổ tài thị uy. Hắn tập hợp một số tù binh, lên lớp:
Bọn bây là giống dân An Nam dơ bẩn.
Ngô Thất Sơn bước tới một bước cắt lời tên này:
Ông nói sai rồi, ông đại úy, giống dân dơ bẩn chính là đám thực dân các ông đó.
Tên đại úy giật mình, trừng mắt nhìn tên tù binh dám cắt lời hắn, rồi còn dám mắng cả người Pháp nữa. Hắn điểm Ngô Thất Sơn hăm dọa :
- A, thằng này láo. Mày dám nhục mạ người Pháp chúng tao à! Mày phải xin lỗi ngay. Tao đếm ba tiếng...
Vừa nói hắn vừa rút súng cầm tay chĩa ngay Ngô Thất Sơn, miệng đếm: một.., hai....
Ai nấy đều lo sợ trước tình huống quá sức tưởng tượng và ngó châm bẩm vào Ngô Thất Sơn. Tất cả càng hồi hộp, phập phồng khi thấy Ngô Thất Sơn cởi nút áo, ưỡn ngực bước tới trước, miệng đếm và ba.
Thật là bất ngờ. Thằng Tây run tay không dám bắn rồi từ từ nhét súng vô bao da, đến bên Ngô Thất Sơn dịu giọng xuống: " Đây là lần đầu tiên tôi gặp một người Việt dũng cảm như ông”.
Không thể để người tù bất khuất này trong khám Chí Hòa. Tây đưa anh lên khám Đức Hòa giam chung với bác sĩ Huỳnh Bá Nhung, Trưởng ty Y tế Gia Định - Ninh (hai tỉnh Tây Ninh và Gia Định sát nhập năm 1949). Biết hai người tù này không thể nào dụ dỗ được, giam mãi chi tốn cơm, thực dân quyết định thủ tiêu. Ngày 10/11/1952 Tên Tây chủ ngục đưa hai ông ra cánh đồng bên ngoài khám nói:
- Hai ông được tự do kể từ giờ phút này, muốn đi đâu thì đi!
Nhưng hai người tù binh dư biết tâm địa hèn mạt của địch. Thay vì chạy thoát thân, họ ung dung sát vai nhau đi khoan thai trên cánh đồng. Một loạt súng nổ từ phía sau lưng, kết thúc cuộc đời hai vị anh hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhớ lời trối trăng ngày chồng lên đường chiến chinh vào mùa thu năm xưa, vợ anh đã đặt tên cơn gái đầu là Trịnh Hy Sinh. Nối chí cha, cô Hy Sinh đã tham gia kháng chiến, tiếp tục sự nghiệp dở dang của người cha anh hùng. Ngày 20/12/1994, đại tá Ngô Thất Sơn được truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cô Trịnh Hy Sinh sau giải phóng 1975, là phát thanh viên tiếng Khmer trên Đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét