Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

phóng sự


Tôi đi đào dế bắp

Một ngày cuối tuần đầu tháng 5, nhóm chúng tôi gồm 5 người, rủ nhau vào vườn. Đứa vác leng, đứa xách thùng, đứa cầm xô, bắt đầu chiến dịch truy lùng lũ dế. Đặc biệt, lũ dế chỉ đào hang đùn đất lên ở những nơi đất giồng, đất cát. Chen giữa những khu vườn, đường từ thị trấn Tri Tôn vào Tức Dụp, thuộc địa phận 2 xã Núi Tô và An Tức, huyện Tri Tôn, cứ bắt gặp mấy đụn đất nhô cao và nhìn màu đất, biết mới vừa được đẩy lên hồi đêm trước là chúng tôi ùa tới.
Đứa cầm leng bổ mấy nhát sâu xuống chừng 2-3 tấc rồi dùng tay tìm hang moi đất ra cho trống miệng. Thấy một cái lỗ có chiều ngang chừng 4cm, chiều cao 2cm, có những lá cây còn tươi xanh, tiếp tục xúc thêm vài  nhát leng, lỗ nhỏ dần, và cuối cùng  1 con dế to tròn hiện ra. Chúng tôi vội bắt cho vào thùng đã chuẩn bị (nắp có khoét một lỗ ở giữa). Sau đó ngắt vài đọt rau mui hay một loại lá xanh nào đó, bỏ vào. Nếu không, dế có thể nhảy ra ngoài thùng. Dế làm hang sâu trong lòng đất. Dự trữ lương thực là lá mì, lá cỏ, lá dâu trong hang để ăn dần. Hang dế tròn bằng một đốt tay hoặc bằng cái trứng cút. Phát hiện hang dế bằng chút đất ở miệng hang. Hang dế có nhiều ngách để khi có kẻ thù tấn công thì dễ tìm đường tẩu thoát. Người đào dế phải vừa đào vừa duỗi cọng dừa theo để biết đáy hang. Nếu không có cọng dừa thì có thể đào làm đứt đôi con dế. Thường đào khoảng 2-3 gang tay thì có dế. Mùa mưa lũ, bắt dế dễ hơn vì dế làm ngách hang gần mặt đất hoặc quanh gốc cây để khi lũ về thì phóng lên cây cho nhanh. Dế thường bò lên đọt mì, hoặc bò trên những cây dâu kiếm ăn.
 Anh Nguyễn Dương Trung, một người bắt dế ở thị trấn Tri Tôn, cho biết,
“hang dế thường có miệng kín, xung quanh miệng hang có nhiều mẫu đất mới, tơi xốp như ở các tổ kiến. Còn nếu miệng hang đã được nông ra là con dế đã rời hang đi tìm hang mới. Khi đó, những hang này thường có con vật khác vào ký sinh như rắn, rết. Đào hang dế cũng phải biết hang nào là hang chính, hang phụ. Có con dế đào đến mấy hang, thông nhau và có cả cửa hang chính, phụ hòng thoát thân khi gặp nguy hiểm”.
Thông thường khi đào xuống độ sâu chừng 30cm là có thể bắt được chúng. Nhiều lúc cũng có hang sâu đến 70cm nhưng cũng có hang chỉ một gang tay. Tại Tri Tôn, dế bắp xuất hiệu nhiều ở các khu vườn thuộc xã Núi Tô, An Tức, Lê Trì, Lương Phi.
 Những hang ngắn, trẻ con chỉ dùng tay múc nước sông đổ vào là tự ắt con dế chui ra khỏi hang. Thường thì mỗi hang một con nhưng cũng lắm khi một hang có đến 3 con. Cũng có hang không có con dế nào, thậm chí còn gặp cả rắn, rết. Sau khi tóm gọn được chú dế thì công việc đầu tiên là bẻ gãy chân dế để chúng không thể trèo ra khỏi cái oi đựng dế.
Anh Bùi Hoàng Giang, một người bắt dế ở thị trấn Tri Tôn, cho biết,
“thời gian sinh trưởng trung bình của dế là 4 tháng. Dế trưởng thành và bắt đầu sinh sản ở độ 2 tháng tuổi với chiều dài trung bình của cơ thể là 2cm. Dế cồ trưởng thành sẽ cất tiếng gáy nghe rất êm tai để mời gọi bạn tình. Dế cồ thường to bằng ngón tay cái và to hơn dế mái. Phân biệt dế cồ và dế mái chẳng khó vì dế cồ trên lưng có vân và không được láng”.
 Đi như thế chừng nửa buổi là chúng tôi đã có được cả trăm con dế bắp. Cũng chả biết nó họ gì. Chỉ biết rằng, nó là chuyên viên cắn xé và lôi những cây màu mới nhú về hang để ăn. Đôi khi có đêm, chúng ra ăn tại chỗ rồi thôi không thèm lôi về chi cho nó mệt. Vì sống ở đây, đủ thức ăn mà. Vì thế, chúng rất "mập mạp, bụ bẫm". Nhìn cặp đùi búng tách tách thì đủ biết. Đây là món ăn ngon tuyệt đấy nhé. Chưa chắc các vị Vua chúa thời xưa đã được ăn, nếu như ông Vua thời trẻ không có được những giờ dã ngoại như chúng tôi.
Dế bắp tuy là loại côn trùng, sống tự nhiên dưới hang nhưng là món ăn dân dã xuất hiện khá rất lâu ở Tri Tôn. Mùa đào dế kéo dài trong những tháng mùa mưa. Vì đây là thời điểm dế mập mạp, căng sữa, đạt kích cỡ tối đa.
Vào mùa hè, dế còn non có màu trắng, rất nhỏ, nên ăn không ngon bằng những gã dế già mùa mưa, đã có đầy đủ dưỡng chất. Dế bắp chỉ cần lặt sạch cánh, lặt phần hậu môn, móc ruột bỏ hết. Đặc biệt, phải làm ruột thật sạch. Vì nếu không, cỏ, lá dâu chưa tiêu hóa hết còn sót lại, sẽ làm món dế mất cả mùi vị. Dế làm xong, phải rửa lại bằng nước muối, làm ăn liền. Không thì bảo quản dế trong tủ lạnh. Sau đó nhét hột đậu phộng vào ruột, rồi ướp nước mắm, nêm cho vừa ăn. Bắc chảo dầu cho xôi, để dế vào chiên cho vàng là được. Khi vừa chín tới là bóc ra chấm muối tiêu chanh!... Ôi tuyệt làm sao! Vừa béo vừa thơm cộng với cái nóng phải xuýt xoa và cái chua chua mặn mặn của muối chanh tăng thêm tính hấp dẫn của món ăn, làm chúng tôi ngồi ăn sạch không chứa một chú dế nào cả.
Dế bắp chiên nước mắm ăn vừa giòn, vừa đậm đà hương vị nước mắm, vừa béo ngậy của dầu, béo thơm của đậu phộng mang đặc trưng món ăn dân dã đồng quê. Ngoài ra, dế bắp còn chế biến thành nhiều món như lăn bột chiên bơ, xào lăn, kho tiêu, rang muối ớt, nướng, gỏi dế… Chính vì thế mà vào mùa mưa, trẻ em và cả người lớn vùng Bảy Núi, An Giang thường đi đào dế bắp về cung cấp cho các quán nhậu hoặc làm các món đặc sản đồng quê đãi bạn bè.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã cho kết luận các loại côn trùng ăn vào có tác dụng bổ ích cho sức khỏe con người. Có loại còn có tác dụng “Cải lão hoàn đồng”. Tuy dế là con vật của đồng quê bởi đêm đêm biết tấu lên khúc nhạc muôn đời, nhưng lại tàn phá hoa màu, nên dế là loài côn trùng có hại. Bữa thịt dế rất ấn tượng với tôi. Thế mới biết “sơn hào hải vị” đâu cần ở đâu xa, món dân dã miền quê, ai cũng bắt được. Vậy mà ngon cực kỳ. 

Châu Phong (Tri Tôn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét